Nhật Bản- đất nước được biết đến với hình ảnh trong trẻo của hoa anh đào, sự lôi cuốn lạ kì của nền văn hóa manga, anime và sự cảm phục trước tinh thần võ đạo,…Hơn thế nữa, ”xứ sở hoa anh đào” còn có sức hút vô cùng mạnh mẽ bởi nền văn hóa ẩm thực xuất sắc, đa dạng. Hãy cùng IKU khám phá điều kì diệu ấy qua bài viết dưới đây nhé!
Triết lí ẩn sâu trong nghệ thuật ẩm thực Nhật bản
Văn hóa ẩm thực tôn trọng thiên nhiên
Từ xa xưa, người Nhật đã luôn sống với tinh thần tôn trọng thiên nhiên- nơi ban tặng những điều tốt đẹp cho cuộc sống của họ. Mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu lại được bà mẹ thiên nhiên lại ưu ái ban tặng nguồn hải sản phong phú, nhờ những món quà từ vị thần thiên nhiên ấy, văn hóa ẩm thực Nhật Bản đã được nuôi dưỡng. Tận dụng những nguyên liệu tươi ngon bốn mùa, sự hài hòa trong cách bài trí, tháng 12 năm 2013, ẩm thực Nhật Bản tự hào trở thành nền văn hóa ẩm thực được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
Đặc trưng cơ bản của ẩm thực Nhật Bản
Hình thức cơ bản của một bữacơm mang phong cách Nhật là sự kết hợp của “cơm”, “súp miso”, “món ăn kèm” và “tsukemono”.

Thực phẩm lên men cũng được ưa chuộng tại Nhật – đó là thực phẩm được tạo ra do hoạt động của các sinh vật cực nhỏ phân hủy tạo thành. Các loại gia vị truyền thống của Nhật Bản như nước tương, miso, cá ngừ khô, đậu nành lên men natto, và tsukemono cũng được tạo thành từ sự lên men của cá ngừ.


Trong ẩm thực Nhật Bản, ngoài những món ăn truyền thống, còn có những món ăn được biến tấu từ nước ngoài để phù hợp với thói quen ăn uống của người Nhật, từ đó theo thời gian trở thành món ăn độc đáo riêng của đất nước này. Cơm cà ri, mì udon cà ri, ramen, cơm trứng tráng, thịt heo cốt lết, mì Ý Napolitan,…Nikujaga và sukiyaki được nêm với nước tương cũng là những món ăn được chế biến bằng cách thay đổi nguyên liệu từ nước ngoài thành món ăn Nhật Bản.
Ý nghĩa của ”số 5 thần thánh”
Không phải dễ dàng gì mà ẩm thực Nhật Bản lại được xếp vào di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Bí quyết ”thần thánh” giúp các đầu bếp Nhật Bản chinh phục cả những tín đồ ẩm thực khó tính nhất nằm ở những quy tắc dưới đây:

五法 Ngũ pháp
Ngũ pháp là năm phương pháp nấu ăn cơ bản bao gồm ”sống” (cắt), “ninh”, “nướng”, “hấp” và “chiên”. Mỗi bữa ăn của người Nhật thường được khuyến khích kết hợp nhiều cách chế biến khác nhau để làm phong phú bàn ăn. Tuy nhiên, dù là sử dụng phương pháp nào đi chăng nữa vẫn phải đảm bảo nguyên tắc: giữ được hương vị thuần khiết của món ăn.
五味 Ngũ vị
Ngũ vị là sự kết hợp hài hòa từ 5 vị bao gồm “vị ngọt”, “vị chua”, “vị mặn”, “vị đắng” và “vị umami”. Điều đặc biệt nằm ở vị thứ năm “umami chính là axit glutamic thường có trong tảo bẹ, nhưng nó cũng có thể chắt lọc được từ thành phần riêng biệt khác như cá ngừ khô, nấm hương khô, rau củ, ruột, đầu và xương cá mang đến món nước dùng mang quốc hồn của Nhật Bản. Bời vậy, Umami cũng chính là nền tảng quan trọng nhất tạo nên giá trị của nền ẩm thực độc đáo này.
五色 Ngũ sắc
Ngoài việc chú trọng vào hương vị, người Nhật còn vô cùng tỉ mỉ trong cách bài trí. Dù là một món ăn bình dân hay một món ăn dành cho một bữa tiệc quan trọng đều được tạo hình giống như một tác phẩm nghệ thuật. Vẻ lộng lẫy đó toát lên từ sự kết hợp của màu sắc. 5 màu: đỏ, vàng, xanh lá cây, trắng và đen. Màu đỏ, vàng là những gam màu nóng giúp tăng cảm giác ngon miệng, màu xanh lá cây mang lại cảm giác sảng khoái, màu trắng mang lại cảm giác sạch sẽ, màu đen (có thể thay thế bằng các màu thẫm như tím, nâu v.v… từ thịt nướng, nấm, cà tím, rong biển, nước tương v.v…) làm cho bữa ăn của người Nhật luôn được đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
五感 Ngũ quan
Ở đây năm giác quan đề cập đến là “thị giác”, “thính giác”, “khứu giác”, “xúc giác” và “vị giác”. Người Nhật sử dụng triệt để 5 giác quan này để thưởng thức, đánh giá một món ăn. Phải dùng mắt để cảm nhận vẻ đẹp bài trí tinh tế, màu sắc của món ăn, phải chạm răng vào món ăn, mũi phải ngửi được mùi vị hấp dẫn, lưỡi phải cảm nhận được vị ngon, tai phải nghe được âm thanh thức ăn hòa quyện.
Muốn được như vậy, người nấu ăn phải suy nghĩ nhiều thứ khác nhau để tạo ra món ăn độc đáo. Tạo ra một món ăn có nghĩa là đọc suy nghĩ của người ăn và tạo ra nó. Có lẽ bởi vậy người ta gọi đó là “lòng hiếu khách” trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản.
Vẻ đẹp ẩm thực Nhật Bản theo mùa
Bạn đã bao giờ nhìn thấy từ ”旬” trong từ điển tiếng Nhật??? ”旬” ở đây chính là khái niệm chỉ ”món ăn theo mùa”.
Ẩm thực Nhật Bản có thể nói không chỉ là ẩm thực mà ở đó còn là cả một hành trình khám phá bốn mùa. Khám phá ẩm thực Nhật Bản còn là khám phá những câu chuyện mang đậm tính văn hóa. Một quốc gia với bốn mùa rõ rệt, xuân, hạ, thu, đông, ở đó, những món ăn ”theo mùa” đã ra đời.
Mùa xuân
Trời ấm dần lên từng ngày, vào đầu năm, mầm cây như măng, mầm cây fuki, mầm tara, và các loại đậu: đậu tằm, vỏ đậu, và đậu xanh bắt đầu vào mùa. Các loại cá: cá tráp biển, cá trích cũng vào độ tươi ngon nhất. Lễ hội Joshi vào ngày 3 tháng 3 còn được gọi là lễ hội hoa anh đào, vào ngày này người dân Nhân có tục ăn bánh gạo may mắn. Hishi mochi được xếp thành ba lớp, màu đỏ, trắng và xanh lá cây từ trên xuống. Màu đỏ tượng trưng cho hoa đào, màu trắng tượng trưng cho tuyết còn sót lại và màu xanh lá cây tượng trưng cho màu của lá cây tươi.

Lễ hội tango no sekku vào ngày 5 tháng 5 hay còn gọi là lễ hội trẻ em truyền thống Nhật Bản, vào ngày này, bạn có thể ăn bánh bao gạo và bánh nếp kashiwa – mochi. Người ta nói rằng Kashiwa được sử dụng cho Kashiwa mochi, mang ý nghĩa “sự thịnh vượng của con cháu” vì lá Kashiwa già sẽ không rụng cho đến khi lá mới mọc.

Mùa hè
Vào mùa hè, somen được coi là món mì lạnh giải nhiệt khoái khẩu. Đặc biệt somen được ăn vào ngày 7 tháng 7 (ngày lễ thất tịch) như một phong tục truyền thống. Bởi những sợi mì lạnh giống như những sợi tơ mà Chức Nữ đã dệt nên trong những chuỗi ngày chờ đợi được gặp lại Ngưu Lang. Ngoài somen, cơm lươn cũng là một sự lựa chọn yêu thích của người Nhật. Ăn món cơm lươn trong ngày Doyo no Ushi no Hi cũng đã trở thành phong tục riêng của người nhật. Câu chuyện bắt đầu từ một chủ cửa hàng bán lươn đang ế ẩm. Ông đã xin ý kiến của dược sĩ Hiraga Gennai để tìm giải pháp. Hiraga nói rằng, ăn những thực phẩm có chữ ”U” trong ngày Doyo no Ushi no Hi sẽ có thể chống lại cái nóng khắc nghiệt của mùa hè. Ông đã khuyên nhủ người chủ tiệm nên dán trước cửa hiệu dòng chữ ”hôm nay là ngày Ushi no hi hãy ăn những món có chữ ”U” để tránh nóng”.


Mùa thu
Vào mùa thu khi cái nóng dịu đi cũng là mùa của các loại nấm. Các loại nấm quen thuộc phải kể đến nấm thông, nấm tùng nhung. ”Vua của các loại thực phẩm mùa thu” được đặt biệt ưu ái dành để gọi một loại nấm cao sang đó là nấm Matsutake.

Nhắc đến mùa thu cũng không thể không nhắc đến cái tên ”cá thu đao”. Chúng được xếp hàng dài trên các bàn ăn. Vào ngày thu mát mẻ, một chút vị ngọt của cá thu khi còn nóng, ăn kèm củ cải nghiền, nước tương, cùng một ly sake nhẹ chắc chắn sẽ chạm đến trái tim của bất kì ai.

Món cơm gạo mới shinmai nấu kèm với khoai lang, nấm, hạt dẻ (một loại quả chỉ có vào mùa thu) cũng đủ làm nức lòng mỗi ai khi được thưởng thức những ”món quà thu Nhật Bản”.

Mùa đông
Vào mùa đông, cây cối rụng lá, tuyết rơi dày đặc, các loại rau trở nên ngọt hơn do rét đậm. Tiêu biểu là cải thảo, hành lá, rau chân vịt, v.v. Ngoài ra, các loại rau ăn củ như củ cải, ngưu bàng cũng được mùa vào thời điểm này. Lẩu được coi là món ăn yêu thích nhất trong danh sách các món ăn dài của nền ẩm thực Nhật Bản vào mùa đông.

Vào ngày Đông chí 22 tháng Chạp có tục ăn bí đỏ. Người ta nói rằng bí ngô rất giàu chất dinh dưỡng và có thể được ăn như một biện pháp phòng chống cảm lạnh. Cũng có một câu chuyện khác cho rằng: vào dịp cuối năm, ăn quả có chữ “n” ở cuối sẽ cải thiện vận may của bạn, quả bí ngô trong tiếng nhật là “nankin” bởi vậy nó được ăn như một lá bùa may mắn.
Vào ngày 31 tháng 12, đêm giao thừa, có phong tục ăn Toshikoshi soba. Sợi mì mỏng và dài được ăn với hy vọng trường thọ.

Sẽ thật thiếu xót nếu như trải qua mùa đông tại Nhật Bản mà không được thưởng thức món Oden ”cực phẩm”. Oden là một món ăn phục vụ trong nồi gồm một số nguyên liệu như trứng luộc, daikon, konnyaku, và chả cá đã chế biến, được hầm trong nước dùng dashi. Điểm nhấn của món ăn này chính là vị ngon của nước dùng. Dashi được nấu từ tảo bẹ kombu, cá bào hana katsuo và nước tương lạt Ushukuchi, cô đọng trong miếng củ cải. Những người Việt may mắn từng một lần thưởng thức Oden trên nước Nhật đều không thể quên được hương vị của món ăn này, đến nỗi mà mỗi khi trời đông trở gió lại thầm ước được một lần nữa quay lại Nhật Bản chỉ để thưởng thức ”cực phẩm” này.

Có thể nói, ẩm thực Nhật Bản không chỉ dừng lại ở việc sáng tạo những món ăn ngon mà điều quan trọng là tạo ra sự hài lòng cho người thưởng thức bằng cách kết hợp các mùa, phương pháp nấu ăn, vẻ đẹp ngoại hình, thị hiếu của khách hàng, lòng hiếu khách và lòng biết ơn. Đằng sau những món ăn bắt mắt ấy là sự tinh tế, chắt chiu của người đầu bếp và cả một nền văn hóa độc đáo, thú vị. Tất cả làm nên một nền văn hóa ẩm thực Nhật Bản thật tuyệt vời.