Chủ Nhật, Tháng Tư 2, 2023
HomeCuộc sốngNhật Bản không phải màu hồng

Nhật Bản không phải màu hồng

Dạo gần đây trên mạng xã hội facebook bất ngờ xuất hiện clip một thí sinh dự thi chương trình The Face Vietnam tự nhận mình là du học sinh đã du học tại Nhật Bản được 2 năm rưỡi và mới về nước được 3 tháng.

Trong clip, thí sinh này bộc bạch: “Cuộc sống ở Nhật không phải màu hồng, rất nhiều áp lực”. Câu nói này gây nên một cuộc tranh cãi trong cộng đồng du học sinh và cộng đồng người Việt tại Nhật Bản. Hãy cùng IKU tìm hiểu lí do vì sao “Nhật Bản không phải màu hồng nhé”

Nhật Bản không phải màu hồng - IKU
Thí sinh The face gây tranh cãi khi nói “Nhật Bản không phải màu hồng”

Du học Nhật Bản

Nhật Bản là một đất nước đang trên đà phát triển lớn mạnh với nền kinh tế, khoa học kỹ thuật đứng hàng top thế giới và trong bối cảnh Nhật Bản mở cửa tiếp nhận du học sinh, người lao động nên việc du học Nhật đã không còn là gì đó xa tầm tay với.

Hiện nay ngày càng có nhiều du học sinh Việt Nam qua Nhật du học. Thủ tục đã bao gồm hồ sơ dịch thuật, sổ tiết kiệm,… tất cả đã được các trung tâm du học lo liệu đầy đủ nên bạn chỉ cần đóng tiền là đã có thể đi được. Hơn nữa phí du học tại Nhật không quá cao so với các nước khác, chỉ khoảng 200 triệu năm đầu tiên nên Nhật được lựa chọn là điểm đến hàng đầu của du học sinh Việt Nam.

Mục đích đi du học Nhật Bản

Học tập, trao đổi

Nhật Bản không phải màu hồng - IKU
Du học sinh qua Nhật Bản với mục đích học tập

Hầu như chúng ta đi du học vì mong muốn cải thiện khả năng ngôn ngữ và tiếp thu kiến thức, văn hoá từ nước bạn. Và hơn hết là mong muốn một mức lương cao hơn, tốt hơn cùng với khả năng phát triển trong tương lai. Do đó, ngày càng nhiều người chọn hình thức du học như một bước đệm cho tương lai.

Kiếm tiền

Nhật Bản không phải màu hồng - IKU
Nhiều du học sinh qua Nhật Bản với mục đích đi làm kiếm tiền

Ngoài mục đích du học, nhiều người qua Nhật với hình thức du học nhưng thực chất là qua kiếm tiền. Mức lương làm thêm dành cho du học sinh ở Nhật khá cao. Thường 1000 yên/giờ (khoảng 200.000vnđ/giờ) – đây là một mức lương cao, trung bình khi làm đủ 28 tiếng/tuần thì một tháng có thể kiếm được 120000 yên (24 triệu) nên rất nhiều người qua Nhật chủ yếu đi làm kiếm tiền.

Chi phí trang trải cuộc sống tại Nhật

Ngoài tiền học mỗi năm khoảng 800.000-1.000.000 yên/ năm thì du học sinh còn cần trang trải chi phí ăn uống, nhà ở, phương tiện đi lại, bảo hiểm.

Nhà ở

Nhật Bản không phải màu hồng - IKU
Chi phí thuê nhà tại Nhật Bản rất đắt đỏ

Giá nhà thuê tại Nhật vô cùng đắt đỏ. Tuỳ theo địa điểm của ngôi nhà thuộc thành phố nào thì giá sẽ cao hoặc thấp. Ví dụ như vùng trung tâm Tokyo được nhận xét là có giá nhà cao nhât. Còn tuỳ thuộc nhà bạn thuê gần ga tàu, siêu thị không, càng gần ga tàu thì càng đắt. Thông thường nhà thuê ở đây sẽ có giá khoảng 80.000 – 120.000 yên/ tháng (khoảng 16 triệu vnđ – 24 triệu vnđ).

Chưa kể khi thuê nhà ở Nhật vào tháng đầu tiên bạn sẽ mất thêm phí đầu vào bằng khoảng 1 tháng tiền nhà, tiền bảo hiểm và tiền lễ. Tháng đầu tiên khi thuê nhà bạn sẽ mất khoảng 50 đến 60 triệu vnđ. Cũng chính vì lí do này hầu hết du học sinh qua Nhật đều phải tìm người ở ghép để đỡ phần nào phí sinh hoạt

Phương tiện đi lại

Nhật Bản không phải màu hồng - IKU
Người Nhật coi tàu điện là phương tiện di chuyển chính

Đa số người Nhật sử dụng tàu điện như phương tiện chính để đi làm, đi học, đi chơi. Tàu điện ở Nhật vô cùng tiện lợi và đúng giờ từng phút. Tuy nhiên giá tàu điện ở Nhật cũng khá đắt. Thông thường nếu thường đi một tuyến bạn sẽ cần mua vé tháng tuỳ từng nơi bạn muốn đi mà vé sẽ có giá khác nhau.

Thuế và bảo hiểm

Ở Nhật Bản, tiền thuế và bảo hiểm thường dựa theo lương. Lương càng cao thì phí bảo hiểm càng cao. Thuế ở Nhật cũng coi là rất đắt, hầu hết vật phẩm đều thu thuế từ 8-10%.

Thực trạng du học Nhật Bản

Nhật Bản không phải màu hồng - IKU
Không có thời gian để ngủ, nhiều du học sinh ngủ gục tại lớp

Du học Nhật bản tuy không quá đắt, tuy nhiên đối với một số gia đình tầm trung ở Việt Nam thì một năm 200 triệu cũng khá nhiều. Thế nên khoảng 80% du học sinh qua Nhật đều đi làm thêm để kiếm tiền trả tiền học và trang trải cuộc sống. Ngoài tiền học, du học sinh còn phải tự trang trải phí sinh hoạt, tiền nhà. Bởi vậy chỉ làm theo luật 28 tiếng/tuần thì không thể nào đủ tiền học và tiền sinh hoạt được nên du học sinh thường làm quá tiếng, một người làm khoảng 2-3 công việc để trang trải tiền học và sinh hoạt.

Việc một ngày chỉ ngủ 4,5 tiếng là điều bình thường đối với một vài người. Ra khỏi nhà từ sáng sớm để đi học , đi làm rồi đêm muộn mới về nhà. Chưa kể nhiều người lựa chọn làm ca đêm tuy lương cao nhưng lại vô cùng mệt mỏi.

Đi làm nhiều đồng nghĩa với việc bạn đã vi phạm luật cho du học sinh chỉ làm 28 tiếng/tuần thế nên nếu bị phát hiện thì bạn sẽ bị huỷ tư cách xin gia hạn visa. Nên những cách thức làm chui, che giấu được dựng lên như làm tách sổ ngân hàng, tìm việc lương tay,… Tuy vậy hàng năm vẫn có rất nhiều du học sinh bị huỷ tư cách lưu trú vì làm thêm quá giờ.

Nhiều bạn tự nói đùa: “Làm nhiều cũng chết mà không làm cũng chết, nhưng so với về nước thì vẫn sợ chết đói hơn”.

Lý do Nhật Bản không phải màu hồng

Cuộc sống quá khắt khe

Có lẽ bởi vì quen cuộc sống thoải mái ở Việt Nam rồi nên nhiều bạn mới qua Nhật sẽ cảm thấy cuộc sống tại Nhật quá khắt khe. Luôn luôn đúng giờ. mọi thứ cần làm theo quy định, không có ngoại lệ. Quy định, luật lệ là tốt nhưng đôi khi quá tuân thủ đến mức bảo thủ sẽ trở nên quá hà khắc khiến con người cảm thấy áp lực. Có lẽ đây chính là một trong những lí do khiến tỉ lệ tự tử ở Nhật Bản được cho là nhiều nhất thế giới.

Người Nhật không tốt như bạn nghĩ

Nhật Bản không phải màu hồng - IKU
Ở Nhật Bản nếu bản say xỉn nằm giữa đường sẽ không có ai giúp đỡ

Trước khi qua Nhật chúng ta đã nghe hàng trăm hàng ngàn bài viết ca ngợi con người Nhật Bản thân thiện, tốt bụng, chăm chỉ, đúng giờ,… tuy nhiên lại chẳng mấy bài nói xấu người Nhật cả khiến ta nghĩ rằng “Ôi người Nhật hẳn tốt đẹp lắm” cho đến khi đến Nhật Bản thì vỡ mộng hoàn toàn.

Người Nhật thực ra khá lạnh lùng nhiều lúc có thể gọi là vô cảm. Nếu như khi gặp rắc rối nào đó trên đường phố Việt Nam thì chắc chắn bạn sẽ được mọi người chạy lại giúp đỡ nhưng ở Nhật thì không. Người Nhật rất ghét bị liên luỵ nên họ thường có thói quen tránh xa những rắc rối.

Có một điều về người Nhật mà đa phần người nước ngoài từng sống ở Nhật đều nhận xét. Đó là người Nhật “giả tạo”, họ rất lịch sự luôn luôn tươi cười và cảm ơn chúng ta nhưng sau lưng lại nói xấu và kha khá người Nhật ghét người nước ngoài và người Việt Nam.

Người Nhật có phần kì quái và có nhiều biến thái. Không ngoa khi nói tính cách người Nhật có phần kì quái, họ yêu thích những thứ kì lạ, đôi khi Nhật xuất hiện tên biến thái trộm đồ lót hay tên biến thái chụp ảnh lén, sàm sỡ trên tàu điện. Ngoài ra người Nhật còn có nhiều dịch vụ kì quái như thuê người ngủ chung, café hầu gái, fan meeting nằm ngủ với idol – những dịch vụ mà chỉ Nhật Bản mới có.

Người Nhật còn quá nguyên tắc. Một từ mà người nước ngoài dùng để chỉ người Nhật là “Kibishii” (khắt khe), quá đúng giờ, quá nguyên tắc đến nỗi cứng nhắc. Đôi khi những điều này khiến chúng ta cảm thấy ngột ngạt và mệt mỏi khi ở Nhật Bản.

Đương nhiên ở Nhật vẫn còn rất nhiều người tốt, một số người Nhật sẵn sàng kết bạn với bạn, chỉ đường cho bạn khi bị lạc,… nhưng có lẽ vì sự ca ngợi quá nhiều của báo chí, những bài viết trên mạng xã hội khiến bạn kì vọng quá nhiều dẫn đến thất vọng cũng nhiều và một phần nữa liên quan đến khác biệt văn hoá làm cho cuộc sống Nhật Bản trở nên quá hà khắc với chúng ta.

Áp lực tiền bạc

Nhật Bản không phải màu hồng - IKU
Khoảng thời gian trên tàu điện là thời gian ít ỏi ta có thể tranh thủ ngủ một giấc

Ai lúc mới qua Nhật cũng mơ đi làm đóng đủ tiền học, đi làm kiếm được ít vốn gửi về cho bố mẹ. Nhưng đương nhiên để làm được những điều đó cũng phải đánh đổi thời gian và sức lực. Đi học tới chiều rồi đi làm, có những ngày thậm chí còn phải đi làm đêm. Mỗi ngày là sáng dậy sớm rồi tới đêm về nhà.

Có những người chọn làm ca đêm, lương cao hơn nhưng cũng vất cả hơn. Khi cả thành phố chìm trong giấc ngủ thì bạn vẫn miệt mài làm việc. Bước vào quán khi trời vẫn lờ mờ tối và bước ra khi ngày mới đã lên.

Hay có những ngày cuối tuần chạy đi làm như chạy show, sáng đi làm tới chiều, chiều vội vã chạy sang chỗ làm khác. Có những ngày chỉ ngủ được có 3,4 tiếng.

Không ít lần chúng ta tủi thân vì họ hàng gọi điện hỏi thăm hỏi “kiếm tiền được nhiều không?” mà không mấy ai hỏi “Có vất vả không?”.

Có bao nhiêu lần bạn vội vã ăn miếng onigiri hay hộp bento ở combini mà nhớ đến bữa cơm chiều ấm nóng của mẹ đến rơi nước mắt.

Học tập

Nếu thực sự để cân bằng giữa việc đi làm và học tập là vô cùng khó. Ở trường tiếng việc học sẽ ổn hơn vig khi đi làm bạn vẫn có thể giao tiếp tiếng Nhật coi như là đang học. Tuy nhiên khi lên đến đại học thì việc cân bằng học và làm rất khó, không bỏ thời gian ra học thì không theo kịp bài mà bỏ thời gian ra học thì không có thời gian đi làm đóng tiền học.

Xin visa

Bởi vì đa phần du học sinh đều làm quá số giờ quy định nên việc xin visa cũng khó khăn hơn. Chưa kể hiện nay có nhiều người Việt Nam túng quá làm càn đi ăn trộm, cắp khiến hình ảnh người Việt Nam xấu đi rất nhiều và gây khó khăn cho việc xin, gia hạn visa.

Theo thống cơ của cục xuất nhập cảnh vào năm 2021, người Việt Nam đứng đầu danh sách bị từ chối gia hạn visa.

Người Nhật có cái nhìn xấu về người nước ngoài

Nhật Bản không phải màu hồng - IKU
Tình trạng người Việt Nam phạm tội góp phần ảnh hưởng xấu hình ảnh của người Việt Nam

Nếu như bạn đi làm ở một môi trường toàn người Nhật, bỗng một ngày nào đó một người bị mất tiền thì chắc chắn bạn sẽ là người bị nghi ngờ đầu tiên. Ở Nhật lâu rồi bạn sẽ thấy có sự đối xử khác biệt giữa người Nhật với người Nhật và người Nhật với người Việt.

Tuy nhiên đây cũng một phần do một số người Việt Nam qua Nhật phạm tội, ăn cắp khiến hình ảnh người Việt Nam xấu đi trong mắt nước bạn.

Nhật bản không phải màu hồng, kiếm tiền ở Nhật cũng không dễ dàng. Tuy nhiên chúng ta đã lựa chọn và chấp nhận con đường này nên không thể quay đầu. Những người đi Nhật trên vai không chỉ gánh vác tương lai của bản thân mà còn cả kì vọng của rất nhiều người. Vậy nên trước khi lựa chọn đi Nhật hay không hãy cân nhắc thật kỹ. Còn những bạn đang ở bên Nhật, IKU chúc bạn cố gắng và gặp điều tốt lành, may mắn!

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular

Recent Comments